6. QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Chào bạn, qua series 5 phần, chắc bạn cũng đã hình dung phần nào về Vận Hành Doanh Nghiệp rồi. Nay tôi dành thời gian chia sẻ với bạn thêm 1 chút về một lĩnh vực tiếp theo trong doanh nghiệp, đó chính là Tài Chính.
 
1. Tài chính là gì? Mục đích của Quản trị tài chính trong doanh nghiệp là gì?
Tài chính là thật sự định nghĩa thì rất rộng nhưng trong phạm vi của doanh nghiệp thì tôi xin gom nhỏ lại đó là tất cả các hoạt động liên quan đến tiền của doanh nghiệp. Vậy mục đích của Tài Chính chỉ có 1 mục đích duy nhất là “Buôn Tiền”. Hay nói cách khác đó là tối ưu được dòng tiền của doanh nghiệp.
 
2. Dòng tiền.
Đến đây có thêm 1 khái niệm cực kỳ quan trọng đó chính là dòng tiền. Dòng tiền của doanh nghiệp nó ví như dòng máu của cơ thể vậy. Máu lưu thông thì cơ thể khỏe, dòng tiền lưu thông thì doanh nghiệp khỏe. Thiếu máu thì cơ thể chết, gãy dòng tiền thì doanh nghiệp cũng đi.
 
3. Từ khái niệm đó, chúng ta mới đi sâu vào 2 hoạt động nhỏ của hoạt động tài chính, một mặt phía ngoài là Kiếm Tiền và một mặt phía trong là Chia Tiền.
– Trong hoạt động để Kiếm tiền, chúng ta chẳng cần học đâu xa, mà hãy nhìn ngay hình ảnh của bác nông dân chẳng hạn, mà hình ảnh này tôi vẫn thường nói với mấy anh em trong ngành rằng. Hãy nhìn bác nông dân, bác vừa trồng rau trong vườn, kế bên có chuồng nuôi lợn, nuôi bò chẳng hạn, rồi có vài cây trong vườn để trồng lấy gỗ hoặc cây ăn trái lâu năm. Rau thì thu hằng ngày, biên lợi nhuận cao nhưng không nhiều, để có tiền ra vào đủ sống (Ngắn hạn). Sau đó tầm vài tháng thì xuất 1 lứa lợn, lứa bò, tiền nhiều hơn nhưng phải vài tháng mới có (Trung hạn). Rồi vài năm, chục năm thì bán cây lấy gỗ (Dài hạn). Đó cũng chính là cách setup dòng tiền. Thì trong doanh nghiệp cũng thế, lúc này mới có khái niệm về chiến lược sản phẩm để phục vụ cho chiến lược tài chính, thường sẽ chia thành 3 nhóm:
++ sản phẩm doanh số hay còn gọi là sản phẩm dẫn: bán số lượng lớn nhưng lãi ít, mục đích tập trung để phủ thị trường, build thương hiệu, chảy hàng tồn, …
++ sản phẩm chủ lực: mục đích mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp
++ sản phẩm gia tăng: gia tăng thêm lợi nhuận, phân loại khách hàng.
Hoặc một số nơi, có thể chia thành Sản phẩm đầu phễu, Sản phẩm chủ lực và Sản phẩm cuối phễu cũng được.
 
– Hoạt động Chia Tiền lại là một mặt khác nằm phía trong doanh nghiệp, lúc này xuất hiện thêm 2 khái niệm nhỏ hơn đó là Hạn Mức và Định Mức.
++ Hạn mức là tổng mức chi tối đa theo doanh thu cho một phòng ban, một nhân sự hay một công việc nào đó trong doanh nghiệp.
++ Định mức là mức chi cố định cho một công việc nào đó.
Tôi lấy ví dụ, một nhân sự đi công tác với chính sách ở phòng 500k/đêm và sinh hoạt phí 200k/ngày, đây là Định Mức, nhưng tổng công tác phí không vượt quá 2% doanh thu, đây là Hạn Mức.
Để từ đó, nhân sự có thể chủ động trong công việc, lựa chọn phù hợp để đạt mục tiêu chung của doanh nghiệp. Và để có được bảng các tham số về Hạn mức và Định mức, thì doanh nghiệp của bạn ít nhất phải trai qua được giai đoạn sống sót, tôi gọi là phải có lịch sử, còn không thì bạn đi “bốc thuốc” uống bừa có ngày đột tử.
Bài về các giai đoạn trong doanh nghiệp, bạn có thể xem lại, tôi để link ở đây: https://gkcsoftware.com/4-giai-doan-phat-trien-cua-doanh-nghiep/
 
Tổng kết lại một chút,
– Tài chính là hoạt động “Buôn tiền”, tối ưu dòng tiền, ví như dòng máu của cơ thể.
– Tài chính gồm 2 hoạt động chính là Kiếm tiền (bên ngoài) và Chia tiền (bên trong)
++ Kiếm tiền cần kết hợp chiến lược sản phẩm để có dòng tiền.
++ Chia tiền cần lập được Hạn mức và Định mức cho các hoạt động.
– Và cuối cùng, đo đếm, kiểm soát các hoạt động trên sao cho cân bằng 3 bên: Doanh nghiệp, Nhân sự, Khách hàng theo triết lý làm việc “Lợi mình – Lợi người – Lợi mọi người”, cái này thì GKC đặt làm nền tảng canh bản nhất cho mọi hoạt động.
 
Hy vọng một vài kiến thức nhỏ giúp bạn vận hành doanh nghiệp tốt hơn mỗi ngày. Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và hiệu quả!
 
Trí Phạm
– GKC Software – Lập trình Website, Mobile app Chất lượng cao cho Doanh nghiệp